Phố phường Sài Gòn luôn tất bật trong chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng cũng có không gian riêng dậy niềm thương nhớ quê hương cho người Bắc xa quê, gợi bao thương nhớ cho những người con xa xứ.
Những khu chợ mang màu sắc văn hoá, vùng quê như rau mùi (ngò rí) thơm dịu đặc trưng của đất Bắc, lá xương sông, rau bắp cải, miến dong, bột sắn dây…
Nếu có thời gian, rong ruổi trong các khu chợ đặc trưng của người Bắc như Chu Mạnh Trinh, Cống Quỳnh Quận 1; Chợ Đo Đạc (người ta hay gọi là chợ Bắc Kỳ); chợ Văn Thánh Bắc quận Bình Thạnh; Chợ Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình… Bày nhiều đồ Bắc. Đặc biệt, đến ngày gần tết, những thứ như mũ áo ông Công ông Táo, hài hia hệt như bạn đang ở phố hàng Mã Hà Nội.
Nếu thấy hàng quán nào bày kẹo lạc, miến dong với các hũ cà muối, dưa cải thì không cần nhìn biển cũng biết ngay đó là tiệm người Bắc. Với những hàng quán chẳng khác nào sạp hàng của cô hàng xén xứ Bắc.
Xách giỏ đến các chợ này, bạn tha hồ lựa măng rừng Tây Bắc, miến dong, nấm hương, bánh chưng bánh giày, giò lụa chả quế, bánh cuốn Bắc (loại bánh tráng mỏng, nước chấm chế ngon đến mức bạn có thể húp hết bát nước chấm ngay), bún lá, bí đao, khoai đồng…
Như thấy cả quê nhà
Theo các dòng người miền Bắc vào Nam suốt hàng chục năm qua, phố thị Sài Gòn còn rất nhiều con đường, khu chợ đầy ắp hàng Bắc mà người ta chỉ đứng ở đó như thấy, như ngửi được cả màu sắc, mùi vị quê nhà.
Xưa cũ có lẽ là các khu chợ nổi tiếng Ông Tạ (Q.Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q.Gò Vấp) đã sung túc theo dòng người Bắc di cư vào Nam từ hồi năm 1954. Những ngày này, người ta đến chợ như lạc vào “cánh đồng” lá dong và lạt tre gói bánh chưng, rồi muốn cầu kỳ thêm phong vị nấm hương, tiêu Bắc, măng khô cũng đầy ắp ở các sạp chợ.
Bà Trần Thị Phương kể mình đã gắn bó với khu chợ Ông Tạ từ lúc còn lẫm chẫm những năm 1950. Hồi cha mẹ còn sống, tết nào bà cũng được dẫn ra đây để nhắc nhớ quê hương. Cha bà lựa thuốc lào, điếu bát, kể cả lạt tre và “cuốc lủi” được nấu đúng kiểu gia truyền Làng Vân.
Mẹ bà tỉ mẩn tìm từng món ngon cho mâm cúng ngày 30 tết không thiếu bánh chưng, giò chả, tô miến dong và chén mắm dậy mùi vị Hà Nội. Thậm chí mẹ bà còn không quên lựa những con cua ngon để nấu tô canh rau đay thuần Bắc ăn với cà pháo muối cho chồng con “giải mỡ” những ngày tết.
Bên các chợ Bắc xưa, những năm gần đây khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất mạn Tân Bình và phía Gò Vấp cũng xuất hiện nhiều hàng quán Bắc phục vụ đồng hương mới vào sống đông đúc ở đây. Không chỉ là quán ăn, đó còn là vàng mã, hoa đào, rau quả, bánh kẹo, kể cả gà đồi, lợn núi miền Bắc đều sẵn sàng bán cho “thượng đế” đồng hương.
“Tết nào tôi cũng ra đây tìm vài con gà đồi quê hương về cúng các cụ và cho cha mẹ, con cái thưởng thức hương vị quê nhà. Năm nay, tôi và đồng nghiệp còn chia cả con lợn núi Phú Thọ chở xe tải vào. Cầu kỳ, tốn kém tí nhưng cho cả nhà vui và ngon miệng ngày tết” – chị Phượng, nhân viên của sân bay Tân Sơn Nhất, kể chuyện nhà…
Xa quê nhưng đến các chợ Bắc này, tôi có cảm giác như mình vẫn đang sống tuổi thơ ở Hà Nội. Hàng hóa Bắc và cả những giọng nói cũng thân thương rất Bắc.
Theo báo Tuổi Trẻ
Quà Miền Bắc với mong muốn “mang hồn quê đến chốn thị thành” đã và đang cung cấp các sản phẩm đặc sản miền Bắc. Quý khách có nhu cầu liên hệ
Hotline: 0932 761 868 (viber/zalo)
Địa chỉ: chung cư 9 view Hưng Thịnh, đường Tăng Nhơn Phú, P.Phước Long B, Quận 9, TPHCM