fbpx

Lạ miệng với món giả cầy, sự sáng tạo độc đáo của tiền nhân

Nếu như thịt cầy là món ăn độc đáo của người Á Đông, đặc biệt là Việt Nam thì song hành với nó, những người không thích thịt chó lại nghĩ ra cho mình món giả cầy. Quả là một sự sáng tạo thú vị. Cái vị thịt thơm lừng vàng óng ánh ấy mà ăn kèm với rau thơm, bún và chút rượu đế thì không gì sánh bằng.

Món giả cầy có từ bao giờ? Cũng chẳng ai biết được, chỉ biết là khi sinh ra đã có món đó, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc. Có lẽ, một bậc sành ăn nào đó vì không ăn được món nhựa mận nên đã chế ra món này để thoả cơn thèm chăng? Trong đời có câu: “Hư hư – thực thực, thực thực hư hư. trong hư có thực, trong thực có hư” Giả mà thành thật. Giờ đây, món giả cầy được phổ biến với nhiều quán bún giả cầy, là món khoái khẩu của cánh mày râu mỗi lần chén chú chén anh chuếnh choáng bên ly rượu “cuốc lủi” hay những bà mẹ, người chị bên mâm cơm gia đình ấm áp.

món giả cầy ngon tuyệt

Để có được bát giả cầy ngon, cái kỳ công nhất lại nằm ở việc chọn chân giò. Lạ là ở chỗ, chân giò ngon lại phải là chân lợn sề (heo nái). Cái giống lợn bị nhiều người chê ấy chỉ ngon ở cặp giò và bộ lòng. Chân trước hay chân sau đều có thể làm giả cầy, nhưng người khéo chọn thường chuộng chân sau bởi nó mềm và thơm hơn cả. Phần ngon nhất, giới chuyên môn hay gọi là “bắp hoa”, tức phần trên của đùi sau. Chả trách mà mấy chị nội trợ, vừa đến chợ là đã tất tả chạy ngay đến hàng thịt quen, khi miếng chân giò ưng ý đã yên vị trong giỏ rồi mới thong thả mua riềng, mua mẻ, lựa lên lựa xuống bó rau mùi tươi xanh mơn mởn…

Chiếc chân giò làm sạch trắng tinh, trước khi chế biến được bọc trong một lớp giấy báo rồi thui qua trên rơm vàng. Trong tuyệt chiêu của tất cả các món nướng, chẳng thể bỏ qua cái tài tình của chân giò thui rơm. Ôi chao, cái rừng rực của lửa rơm còn thơm hương lúa mới táp vào thớ thịt tươi roi rói sao mà quyến rũ đến vậy. Ngọn lửa liếm đến đâu, lớp bì trắng phau ngả màu xém vàng đến đó, mùi thơm bốc lên khiến bụng dạ cồn cào. Nhìn chiếc chân giò thui rơm, là biết ngay trình độ của người đầu bếp. Chân giò phải vừa vàng ươm nhưng không được cháy hết lớp bì, vừa đủ để mỡ tươm ra óng ánh nhìn đã thấy ngon con mắt.

Đừng ngại cầu kỳ, đừng ngại thui rơm bụi bặm, bởi phải là cái lửa từ rơm thì món giả cầy mới đạt đến đỉnh của sự khoái khẩu. Cũng là chân giò bắp hoa đấy, nhưng nếu thui trên cái ngọn lửa xanh lét của bếp ga hay tệ hơn nữa là đút lò vi sóng một cách cẩu thả thì cái tinh túy của món ăn đã giảm đi một nửa rồi.

Vì là giả cầy, nên món này cũng mang đầy đủ gia vị của thịt cầy chính cống. Nào riềng, nào mẻ, nào nghệ, nào mắm tôm xứ Thanh đứng cách xa vài chục mét vẫn còn nghe mùi thơm thoang thoảng. Cái lát riềng vàng mượt như sớ gỗ, lát nghệ tươi óng, mẻ thanh thanh chua dịu, mắm tôm nâu sậm sóng sánh như nuốt lấy, như quyện lấy từng miếng chân giò đều tăm tắp. Càng ướp lâu, miếng chân giò càng như hớp trọn cái tinh túy của đất trời. Khi ánh lửa lem lém liếm vào đáy nồi, cái thứ nước sền sệt sôi lên sùng sục, từng miếng thịt quân cờ cứ trồi lên rồi lại chìm xuống. Thời gian chờ đợi sao mà dài thế. Mùi thơm quyến rũ buông ra khiến người canh cũng không nhịn nổi cơn thèm.

Khẽ nhấc vung, nhón một thìa nước quyện sánh nóng bỏng lưỡi, đưa lên miệng húp “soạt” một cái. Ôi chao, sao mà ngon lạ. Cứ thế, cái hương vị vấn vương mãi nơi đầu lưỡi để người nấu bếp thêm kiên nhẫn chờ đến lúc nhắc nồi thịt thơm ngon ra khỏi bếp.

Chỉ vừa mở vung ra, cái thứ hương khó cưỡng của món ăn khoái khẩu này đã tham lam tràn ngập khắp không gian. Cái dạ dày giục giã, cái miệng xuýt xoa, bàn tay vội vã múc đầy tô giả cầy sóng sánh, đĩa bún trắng ngần, rổ rau mùi xanh ngăn ngắt, thêm bát hành tây ngâm dấm cho đủ bộ. Làn khói mỏng mảnh bay lên từ bát giả cầy, đằm sâu trong từng sớ thịt, uốn lượn như muốn lưu giữ lại mùi thơm. Chẳng ai chờ đợi được nữa rồi. Miếng chân giò còn nguyên xương, nguyên thịt, nguyên bì, nhưng sao mà mềm đến thế. Lớp bì xem xém dai dai, thịt bùi ngọt đậm đà.

Gặm một miếng chân giò cho thỏa lòng cái đã, rồi mới chan thìa nước dùng ươm vàng sánh mỡ vào miếng bún trắng tinh, kẹp vào cùng lá mơ lông, cọng mùi xanh và lát hành tây chua dịu…Cái cay, chua, ngọt cứ dồn vào cuống họng, dư vị thăng hoa khó tả.

Cũng giông như thịt chó, giả cầy cũng tập chung đủ loại khách mọi tầng lớp trong xã hội từ trí thức, công chức nhà nước…đến thợ thuyền, công nhân.

Xem thêm: Vì sao thịt chó Nam Định lại ngon nức tiếng

 

Gọi ngay
Chat với chúng tôi qua Zalo
Facebook Messenger