Núi rừng Tây Bắc luôn có những sản vật phong phú ban tặng cho con người, nhờ sự sáng tạo và đa dạng của các dân tộc nơi đây nên có nhiều món ăn được chế biến rất tài tình và lạ. Trong đó có món lòng cá nấu canh đắng, món này thì đặc biệt không đâu có.

Khi những con cá ở bờ suối được đánh bắt về, người ta tiện tay hái lượm chút rau đắng tự nhiên mọc ngay bờ suối để về chế biến bát canh. Ở vùng Tây Bắc, đồng bào Mông, Tày, Dao đều biết lá đắng và biết chế biến thành món ăn. Cây lá đắng hay còn gọi là cây vị mật, có nguồn gốc tự nhiên từ trên núi cao. Thân cây nhỏ, dạng dây leo, mọc thành từng bụi ở khe suối hay vách núi.

Lá của cây lá đắng bóng, mép có hình lưỡi cưa, xanh xẫm, nhỏ bằng ba đầu ngón tay. Loại cây này mọc không nhiều trên núi và phải tinh mới nhận ra được. Vào mùa hè, đồng bào vùng cao Tây Bắc thường lên núi cao tìm cây lá đắng để hái. Lá đắng chỉ hái được vào mùa hè vì vào mùa này lá mới già, vị đắng mới đậm đà và xanh sẫm. Việc tìm cây lá đắng khá khó khăn bởi tuy có nguồn gốc tự nhiên nhưng lá đắng sinh sôi chậm, ít mọc ở những nơi rậm rạp, um tùm mà chỉ mọc bên ven suối, vỉa đá, vách núi. Gần đây, đồng bào vùng cao Tây Bắc đã mang giống cây lá đắng về trồng trong vườn nhà. Tuy nhiên, cây lá đắng trong tự nhiên vẫn có vị đậm đà hơn.
Để chế biến món lòng cá nấu canh đắng, người đồng bào làm sạch khúc ruột với nước nhiều lần cho sạch. Rau đắng rửa sạch giã ra hoặc thái nhỏ. Nguyên liệu chuẩn bị gồm nước mắm, hạt mắc khén (tiêu rừng), gừng, sả, hoa chuối thải nhỏ, lá nốt… Nước đun sôi già hẳn mới thả lòng cá vào, vì nếu lòng cá đun nước lạnh sẽ tanh.
Đun sôi chín lòng cá người ta mới thả lá đắng, đun thêm tầm 2 phút nữa thì nêm lá nốt, ít mắc khén cho thơm, có người thì nêm chút thì là hoặc rau răm, ớt tươi, gừng.
Món canh lòng cá nấu lá đắng thưởng thức khi còn nóng, thường được ăn khai vị và ghém với một số rau như: Lá đu đủ, lá lốt và hoa chuối. Các loại rau thơm và gia vị này không những tạo nên hương vị đặc trưng cho món ăn mà còn đều là những vị thuốc nam sẵn có trong vườn nhà, có tác dụng chữa bệnh. Lá đắng có tác dụng rất tốt cho dạ dày và đường tiêu hóa. Món lòng cá đắng khi ta ăn, sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt nơi đầu lưỡi, là một trong những khẩu vị “ăn đắng” của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc không kém phần hấp dẫn.
Nếu có dịp lên Tây Bắc, đặc biệt là Sơn La, bạn nên thử 1 lần để cảm nhận được hương vị núi rừng, cảm nhận sự khác biệt mà thiên nhiên ban tặng cộng với sự sáng tạo của người Tây Bắc.