Trong đời sống tinh thần của người Việt, tết Nguyên Đán thể hiện ước vọng cho 1 năm mới an khang, vận mệnh mới đến với cá nhân, gia đình và dòng tộc. Thế nên, gia đình dù nghèo khó đến đâu, ngày tết cũng phải cố gắng sắm sửa thịnh soạn cho mâm cỗ ngày tết, để tưởng nhớ và biết ơn ông bà, tổ tiên. Mong ông bà, tiên tổ phù hộ độ trì cho mọi người khỏe mạnh, làm ăn tấn tới, học hành thành đạt.
Trong mâm cỗ ngày tết của người Bắc, mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa nhất định, thể hiện sự giao thoa của trời đất. Trong đó có những món không thể thiếu như bánh chưng, giò thủ, dưa hành, thịt gà, canh măng, giò lụa…Không chỉ chú trọng đến sự đa dạng mà còn về mặt hình thức và màu sắc.
Mâm cỗ xưa thường có 4 bát và 4 đĩa tượng trưng cho 4 phương 8 hướng, giao thoa của đất trời, nhà nào khá giả thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc phát tài. Có khi mâm cao cỗ đầy phải xếp thành 2 – 3 tầng. Cỗ ngày xưa được bày biện trên mâm gỗ hoặc mâm đồng. Tuy nhiều bát đĩa nhưng thường là những bát đĩa nhỏ, thể hiện sự tinh tế và hài hòa, không lộn xộn rối mắt.
Cỗ ngày tết của người Bắc 4 bát gồm: bát chân giò nấu măng khô, bát mọc nấu nấm hoặc mọc nấu miến dong, bát canh rau cần, bát thịt đông đặc trưng của mùa lạnh xứ Bắc…4 đĩa gồm: Đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò thủ, đĩa giò lụa. Cũng có nhà thì thêm đĩa su hào xào thịt bò, súp lơ xào thịt…Và không quên đĩa bánh chưng và đĩa dưa hành muối.
Vì thế cho nên, mỗi khi tết đến xuân về lòng người lại thêm rạo rực với câu thơ:
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”.
Ngày nay, cuộc sống vội vã gấp gáp, ít người còn nhớ được mâm cỗ cúng tết Nguyên Đán chuẩn miền Bắc xưa, Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi gia đình khác nhau, nhưng không thể thiếu được những thứ cơ bản như bánh chưng, thịt gà, giò thủ, dưa chua…Những món làm nên văn hóa Tết và nét đẹp tết của người miền Bắc.